Vỉa hè và Taxi

Vỉa hè

Vào các dịp cuối năm, chuẩn bị đón năm mới các vỉa hè của các đô thị lại được lát lại để đón chào năm mới…và năm nào cũng vậy. Việc quen thuộc này làm cho người dân coi như thông lệ, thậm trí các cụ hưu sáng ngồi nước chè vỉa hè lại thấy vui vì năm mới sẽ có vỉa hè đẹp và khang trang hơn, đó là mặt tích cực của cái vỉa hè mới. Sáng nay mở xem thông tin trước khi đi làm bất giác thấy hình ảnh của báo Công Luận với tiêu đề “Vỉa hè, lòng đường bị cày xới cuối năm : Tiêu cho hết vốn, hết kế hoạch”. Chợt nhớ tới quá bia tươi Brotzeit vỉa hè ở Raffes City ở Singapore nơi tôi và anh bạn lâu năm người Sing hay ngồi uống bia buổi chiều tối mỗi khi xong việc, anh mới gọi cho tôi đêm hôm trước vì hai năm dịch bệnh chúng tôi chỉ làm việc online với nhau. Tôi bắt đầu ngồi ở quán bia tươi vỉa hè này từ năm 1998 cho đến nay, cái vỉa hè đó vẫn giữ  nguyên ( lát đá xẻ, khả năng cao là nhập khẩu từ Việt Nam) không bị cày xới và hay lát lại như ở các thành phố của chúng ta.

Mật độ đi lại ở vỉa hè quán Brotzeit – Raffes City thì không một nơi nào ở Việt Nam chúng ta có thể so sánh được 24/7 và đến tận đêm khuya. Raffes City chắc được xây dựng trước năm 1998, vì đó là năm tôi lần đầu tiên đến Singapore, nó đã ở đó với cái quán bia tươi vỉa hè giúp cho tôi có cảm giác bia hơi Hà Nội vào các buổi chiều…mỗi tội giá đắt. Như vậy cái vỉa hè này tồn tại hơn 24 năm, hiện tôi tin rằng chưa có thông tin lát mới vì theo anh bạn tôi facetime với tôi lúc đang nhậu thì nó vẫn còn tốt, nhưng mặt đá lát có vẻ giảm độ nhám đi so với những năm trước (theo cảm nhận). 

 

Taxi

Cũng lấy mốc năm 1998, để nói về câu truyện  thứ 2, Taxi.  Cảnh lộn xộn, không xếp hàng của người dân lẫn việc “cướp khách” của các lái xe taxi cho đến nay tại các sân bay của Việt Nam gần như không thay đổi. Việc đỗ lẫn của xe riêng đón khách, xe bus và taxi vẫn chung một khu vực lúc đón khách. Thực lòng mà nói chúng ta cũng có các cải tiến nhưng không thay đổi được nhiều, đặc biệt là ở các ga sân bay quốc nội.  Lại xin lấy ví dụ của Singapore cũng là năm 1998 khi đến sân bay Changgi Singapore, họ phân các khu như xe bus, tầu điện ngầm, xe các nhân và taxi đi theo các lối ra khác nhau sau khi làm thủ tục nhập cảnh và lấy hành lý. Về hành khách sử dụng dịch vụ taxi  phải xếp hàng theo thứ tự để ra taxi, tại khu vực này có các nhân viên lớn tuổi (về hưu đi làm thêm) hướng dẫn khách. Mặc dù lượng khách lớn gần gấp 10 lần tổng lượng khách của tất cả các sân bay Việt Nam, nhưng sân bay Changgi không có cảnh lộn xộn và ùn ứ. Một điều mà hiếm taxi của đất nước nào có được là tài xế taxi của Singapore luôn rất nhiều tiền lẻ (coin) trên xe, với mọi xe taxi họ sẽ trả lại khách tiền thừa chính xác đến từng xu nhỏ nhất.

 

Bến taxi của cổng 3 (terminal 3) sân bay Changgi ngày cuối tuần.

Bến taxi của cổng 3 (terminal 3) sân bay Changgi ngày cuối tuần.

 

Ở Singapore thì việc đón và trả khách của taxi không tuỳ tiện, họ luôn đón và trả tại các điểm đã quy hoạch thuận lợi cho người dân cũng như giao thông (Taxi stand). Bạn ở khách sạn sẽ có khu vực để đợi taxi, các taxi đến đón khách đều theo thứ tự, đến trước phụ vụ trước (cho cả khách và xe taxi). Khu vực dân cư, shopping…đều như vậy, do đó chúng ta sẽ không gặp được cảnh vẫy xe và trả khách tuỳ tiện giữa đường như ở Việt Nam, gây ảnh hưởng đến giao thông và ẩn chứa nhiều rủi ro tại nạn.

 

Bến đợi và trả khách của Taxi tại khu dân cư - Singapore.

 

Xin các bạn đừng hiểu nhầm bài viết so sánh thuần tuý Singapore với chúng ta, vì đây là câu chuyện họ đã thực hiện rất lâu (chắc chắn là trước thời điểm 1998). Tôi biết chúng ta đã xây dựng các đề án đào tạo cán bộ (như hành chính công…) tại Singapore. Có rất nhiều cán bộ quản cấp quản lý từ địa phương và cả trung ương đã sang Singapore học tập…và tốt nghiệp. Có việc nhỏ như cái vỉa hè và taxi không được ai quan tâm để copy mô hình về áp dụng, thiết nghĩ các cụ có câu “đi ngày đàng học được sàng khôn” dẫu biết rằng việc cỏn con của vỉa hè và taxi không đáng đưa vào “sàng khôn” nhưng chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta tiết kiệm được thời gian (vốn quý) và giảm thiểu được các lãng phí cũng như góp phần xây dựng mỹ quan đô thị.

Đánh giá bài viết

Bình luận mới nhất