Từ BRG Open Golf Championship 2023 chúng ta nên làm gì ?

BRG Open Golf Championship “Ngày hội gôn” tại Việt Nam

Như chúng ta đã biết ADT (Asia Development Tour) và BRG hợp tác tổ chức giải BRG Open Golf Championship thuộc hệ thống ADT trong 03 năm tại sân gôn BRG Đà Nẵng, mỗi năm một giải, giải lần này là lần thứ 2 trong 03 năm cam kết. ADT là hệ thống giải ở “lớp dưới” của Asian Tour, mang đúng nghĩa để phát triển cho hệ thống Asian Tour, nhưng giải này thực sự là “ngày hội gôn” của Việt Nam vì có nhiều VĐV chất lượng cao hơn rất nhiều so với VĐV Việt Nam đến từ khắp thế giới và 25 VĐV hàng đầu của Việt Nam bao gồm chuyên ghiệp và nghiệp dư được tham dự.

“Năm nay chất lượng VĐV tốt hơn năm ngoái vì có 63 VĐV chuyên nghiệp Thái Lan tham gia giải, năm ngoái thời gian tổ chức trùng với  giải kỷ niệm 50 năm ra đời All Tour Thailand nên họ ít tham gia” Ken Kudo – phụ trách kinh doanh của ADT chia sẻ với người viết tại sảnh club house sân BRG. Quả thật đúng như vậy điểm cắt loại năm nay là +2 cao hơn so với năm ngoái +9 ở cùng một sân đấu. Qua hành vi chia sẻ của Ken và thực tế kết quả cho thấy “sức mạnh” của các gôn thủ Thái Lan (VĐV) trong khu vực ASEAN. Họ có 33 VĐV qua cắt trong tổng số 56 VĐV ở vòng đấu cuối, với tổng số lượng VĐV là 141. Việt Nam có 03 VĐV vượt qua lớp cắt trong đó 02 VĐV chuyên nghiệp là NGUYỄN NHẤT LONG/ DOÃN VĂN ĐỊNH  và NGUYỄN ANH MINH với tư cách nghiệp dư.

 

Sân thi đấu BRG Open Golf Championship 2023

Sân thi đấu của giải là sân Nicklaus do huyền thoại Jack Nicklaus thiết kế, đây là sân đấu chuẩn quốc tế và rất thách thức với mọi VĐV. Người viết cũng có trao đổi với vài VĐV quốc tế tại giải họ đều có chung một câu trả lời: sân rất thách thức. Thậm chí 1 VĐV từ Malaysia còn nói đây là sân thách thức nhất từ trước đến nay mà VĐV này tham dự sau 02 ngày đánh thử sân. Sân set up Par 72 với chiều dài 7380 Yard, với các vị trí cắm cờ mang đúng chất “đặc sản” của ADT …khó nhất có thể trên green.

 

Nhìn qua bảng thành tích của giải

 

 

Về thành tích của các VĐV Việt Nam hai VĐV chuyên nghiệp: NGUYỄN NHẤT LONG vị trí 37, DOÃN VĂN ĐỊNH vị trí 56, VĐV nghiệp dư NGUYỄN ANH MINH đứng vị trí thứ 8. Một thực tế chúng ta đều biết VĐV chuyên nghiệp của chúng ta còn một khoảng cách xa để hoà nhập cùng khu vực. Kết quả của việc phát triển gôn trẻ Việt Nam gần đây là các VĐV trẻ đã bắt đầu nhưng bước đi đầu tiên trên để sánh vai với các bạn trong khu vực và chúng ta có kỳ vọng vào các lớp trẻ sắp tới khi Khánh Hưng đi học tại học viện gôn ở Mỹ, 06 bạn trẻ tài năng sang học tại học viện gôn Thái Lan.

Được biết hệ thống giải chuyên nghiệp của Việt Nam như VGA Tour của chúng ta đã bắt đầu từ năm 2005, đã có hành trình 18 năm có lẽ chúng ta nên có các giải pháp để có các bước tiến theo kịp khu vực.

 

Vậy chúng ta nên làm gì ?

Tập trung hơn nữa cho gôn trẻ ai cũng biết và đồng tình, nhưng cụ thể là gì ?

 

  • Nên có cơ chế khuyến khích các VĐV trẻ tham gia các giải chuyên nghiệp với cơ cấu cụ thể như: Phí đóng giải, tỉ lệ % giành cho VĐV trẻ - nghiệp dư và duy trì thưởng mức tiền mặt cho các VĐV nghiệp dư theo quy định là dưới 1000 USD (Amateur hôm nay Pro ngày mai). Việc này được các nước trong khu vực là : Malaysia, Indonesia và Philippine áp dụng rất tốt, thậm trí các giải nghiệp dư cũng có tiền mặt cho các vị trí 1-2-3, thực tế đã có tác dụng rất lớn. Chúng ta đều biết nguyên lý đơn giản - tại các giải đấu tiền thưởng đến từ các nhà tài trợ, để kiếm nhà tài trợ thì cần số lượng khán giả, khán giả xem vì có các VĐV trẻ và chất lượng cao. Chắc chắn cả những thế hệ Pro hiện tại và đi trước của nước ta cũng mong muốn lớp trẻ phát triển và giúp đỡ các lớp sau tham gia cùng để phát triển, như các cụ nói “con hơn cha là nhà có phúc”.  Ở các nước có nền công nghiêp gôn phát triển thì sự khác biệt giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư rất lớn, nên được chơi các giải chuyên nghiệp là một đặc ân với nghiệp dư nên họ không áp dụng việc thưởng tiền mặt (Các Amateur được mời tham dự vì thành tích của họ, đây là phần thưởng) ví dụ như Thái Lan, Hàn Quốc….. và các giải chuyên nghiệp như ADT, ASIA TOUR, ALL TOUR THAILAND ...đều có các khách mời là các VĐV không chuyên.

 

  • Nên có lộ trình để sớm mở các giải của hệ thống giải chuyên nghiệp trong nước để có sự cạnh tranh và cọ sát với VĐV nước ngoài như người viết đã đề cập ở trên, ví dụ như VGA Tour có lịch sử 18 năm, cũng đủ thời gian và các dữ liệu cho các cấp quản lý đưa ra sự điều chỉnh. Có nhiều luận án và tài liệu đã chứng minh trong lĩnh vực kinh tế sự "bảo hộ" chỉ được dùng như một chiến thuật ngắn hạn, không thể dùng nó như một chiến lược được vì sự phản tác dụng của nó sẽ gây ra nguy hại, có lẽ trong Gôn chắc cũng vậy, vì bản chất sự "bảo hộ" ở đây chính là sự "bảo hộ" cho việc phát triển nguồn nhân lực như vậy càng nguy hại hơn… phát triển nguồn nhân lực thì cạnh tranh là yếu tố sống còn. Bên cạnh đó nên khuyến khích và tạo điều kiện để có thêm các giải thuộc hệ thống ADT hoặc tương đương trong các năm tiếp theo.

 

  • Các cấp lãnh đạo ngành gôn cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các VĐV trẻ được tham gia ngày càng nhiều các giải đấu chất lượng cao ở các nước có công nghiệp gôn phát triển cũng như đem các giải (Tour) - đào tạo chất lượng quốc tế về Việt Nam. Về mặt tinh thần đó là các lộ trình phát triển và thực thi những cam kết để tạo sự yên tâm cho các gia đình và các thế hệ trẻ khi dấn thân vào …con đường gôn.

Đánh giá bài viết

Bình luận mới nhất