Điều gì xảy ra nếu một quốc gia như Nga vỡ nợ?

Vỡ nợ là gì ?

Bên lề cuộc chiến ở Ukraine, có quá nhiều người lo ngại về vỡ nợ của một quốc gia, đó là Nga, người viết không phải là một chuyên gia kinh tế, nhưng xin được đề cập đến vấn đề này một cách đơn giản nhất. 

 

Các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự “đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã hạn chế Nga tiếp cận với 630 tỷ USD dự trữ ngoại tệ mà nước này sử dụng để trả nợ nước ngoài. Khoản nợ này phải thanh toán bằng đô la hoặc euro, Nga có thể trả bằng đồng rúp, nhưng khoản vỡ nợ này là do các điều khoản pháp lý của khoản nợ.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế mô tả sự vỡ nợ bởi thuật ngữ như sau: vỡ nợ là một lời hứa không được thực hiện hoặc vi phạm hợp đồng. Khi chính phủ vay tiền từ các chủ nợ nước ngoài và trong nước, theo hợp đồng, chính phủ có nghĩa vụ phải trả lãi cho các khoản vay đó. Các vụ vỡ nợ xảy ra khi các chính phủ không thể - hoặc không muốn - đáp ứng một số hoặc tất cả các khoản thanh toán nợ của họ cho các chủ nợ. Theo Investopedia (trang web nội dung tài chính) nguyên nhân chủ yếu là các nền kinh tế suy yếu và “chi tiêu thiếu thận trọng” dẫn đến vỡ nợ.

 

Điều gì có thể xảy ra sau một vụ vỡ nợ?

Thời gian gia hạn 30 ngày có thể cho phép Nga đến cuối tháng 4/2022 để trả khoản nợ 117 triệu USD. Quốc gia sẽ chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu đến thời điểm đó không có khoản thanh toán nào được thực hiện. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo: Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu Nga - nợ chính phủ - có thể chỉ nhận lại từ 35% đến 65% giá trị khoản đầu tư của họ.

 

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được thực hiện, xếp hạng của Nga đã giảm từ mức độ tín nhiệm cao xuống trạng thái "rác". Khi các quốc gia có xếp hạng tín dụng kém, họ khó có thể tăng nợ. Trong trường hợp của Nga, hầu hết trái phiếu chính phủ hiện có giá trị bằng một phần nhỏ so với giá trị trước đây của chúng.

 

Thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Cuộc khủng hoảng nợ cuối cùng của Nga, vào năm 1998, liên quan đến nợ trong nước - trái phiếu mệnh giá bằng đồng rúp của Nga. Nó diễn ra sau một cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và có tác động toàn cầu đến thị trường tài chính.

 

Trong bối cảnh đó, chính phủ Mỹ đã đứng ra cứu trợ một quỹ đầu cơ lớn được đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ Nga, Long-Term Capital Management, vì lo ngại sự sụp đổ của quỹ này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn. Lần này, IMF  cho rằng vụ vỡ nợ của Nga sẽ gây bất ổn trên toàn cầu. Các ngân hàng bị Nga nợ khoảng 120 tỷ USD, điều này nghe có vẻ nhiều, nhưng không đủ để gây ra thiệt hại lớn trong hệ thống tài chính.

 

Ở Nga, lần vỡ nợ cuối cùng bằng ngoại tệ là vào năm 1917. Khi những người Bolshevik lật đổ chính phủ đế quốc của Sa hoàng Nicholas II, họ từ chối công nhận các khoản nợ của chính quyền cũ. Động thái này đã khiến mối quan hệ của Nga với các đồng minh cũ, bao gồm Pháp, trong nhiều thập kỷ trở nên tồi tệ.

 

Covid -19 cũng có thể gây ra vỡ nợ

Theo IMF, COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng nợ nần, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và các nền kinh tế thị trường mới nổi. Argentina, Ecuador, Lebanon và Zambia là một số quốc gia gần đây đã tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ của họ để tránh tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra.

 

Nếu xảy ra trường hợp vỡ nợ của chính phủ Nga lần này thì đây cũng không phỉa là vấn đề gì quá nghiêm trọng với thế giới vì kể từ năm 1960 đến nay đã có 147 chính phủ vỡ nợ.

Đánh giá bài viết

Bình luận mới nhất